Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi sinh vào ngày 1 tháng 2 năm 1940 tại làng Thanh Quýt, nay thuộc xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cũng chính vì lí do đó nên anh đã sớm được giác ngộ lí tưởng cách mạng. Năm 1956, anh đã không quản khó khăn, một mình vào Sài Gòn mưu sinh. Ở đây, anh vừa lao động vừa học tập, anh đã trở thành công nhân tại Nhà máy điện Chợ Quán. Đến năm 1963, khi đã được trang bị kiến thức Nguyễn Văn Trỗi chính thức tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn. Trong con đường hoạt động cách mạng, anh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Có lần anh đã ném lựu đạn, gây thương vong cho nhiều tên địch.
Khi được biết phái đoàn quân sự cao cấp Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5 năm 1964, lực lượng cách mạng lập kế hoạch tiêu diệt McNamara. Dù mới lập gia đình chưa đầy hai tuần, với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Văn Trỗi đã không ngại hiểm nguy xung phong nhận nhiệm vụ. Anh cùng đồng đội tiến hành đặt mìn tại cầu Công Lý (mà sau này được mọi người đặt tên là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP. Hồ Chí Minh) trên tuyến đường được cho là phái đoàn Mỹ sẽ đi qua từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi mới đặt được quả mìn nặng 8 kg và đang hoàn tất khâu chuẩn bị cuối cùng, anh không may bị địch phát hiện và bắt giữ.
Để kế hoạch tiếp tục được diễn ra, bảo vệ đồng đội và tổ chức, anh đã giữ kín bí mật dù cho bị địch tra tấn dã man, nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Bị giam giữ, hành hạ thì anh vẫn giữ vững tinh thần của một chiến sĩ cách mạng quả cảm. Nhưng sau đó, anh vẫn bị đưa ra xét xử và kết án tử hình.
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được nhiều người biết đến với ý chí kiên cường sắt đá cho đến những giây phút cuối cùng được nhìn ngắm bầu trời Việt Nam. Dù cho bị tra tấn tàn bạo nhưng anh vãn khẳng định tội ác là ở kẻ thù, chính quyền Mỹ và chính quyền bù nhìn Sài Gòn đã gây ra biết bao tội as làm nhân dân phải sống bần cùng trong khổ đau. Anh luôn giữ vững lập trường, tìm mọi cách vượt ngục để tiếp tục chiến đấu và đã nhiều lần trả lời với kẻ thù bằng những lời lẽ đanh thép: "Còn giặc Mỹ, không ai còn hạnh phúc cả".
Dù biết cái chết cận kề, anh vẫn giữ tinh thần lạc quan và dũng cảm. Tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi từ chối bị bịt mắt, dứt khoát nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi.”
Trong khoảnh khắc cuối cùng, anh hô vang những lời đầy khí phách:
“Hãy nhớ lấy lời tôi
Đả đảo đế quốc Mỹ
Đả đảo Nguyễn Khánh
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Việt Nam muôn năm!”
Ca ngợi tinh thần dũng cảm của Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập.”
Ghi nhận sự hy sinh cao cả đó, năm 1964, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng anh danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng cùng Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Đến năm 1995, Đảng và Nhà nước tiếp tục truy tặng anh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bình luận