Hai chiến sĩ đặc công Việt Nam đã bí mật xâm nhập cảng Sài Gòn, mang theo mỗi người 40kg thuốc nổ cùng các bộ phận cần thiết để chế tạo hai quả bom hẹn giờ. Theo bài viết mới đây trên tạp chí Mỹ National Interest, mục tiêu của họ chính là tàu sân bay lớn nhất của Mỹ đang neo đậu tại cảng Sài Gòn ngày 2.5.1964.
Con tàu đó, USNS Card, từng là tàu hộ tống chống tàu ngầm ở Bắc Đại Tây Dương trong Thế chiến II. Sau này, nó được cải tiến thành tàu sân bay vận tải, chuyên chở máy bay chiến đấu và trực thăng. Với chiều dài 151 mét, rộng 34 mét và lượng giãn nước tối đa 16.500 tấn, USNS Card đang vận chuyển 39 máy bay cùng nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự vào thời điểm neo đậu.
Sự xuất hiện của USNS Card tại Sài Gòn được coi là biểu tượng cho cam kết leo thang chiến tranh của Mỹ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1961.
Chiến sĩ Lâm Sơn Náo (Ba Náo), khi đó là nhân viên bảo trì tại cảng Sài Gòn, thực chất đang hoạt động bí mật để thu thập thông tin và chuẩn bị phương án tấn công. Theo kế hoạch, tối ngày 1.5, Ba Náo cùng một chiến sĩ trẻ chèo xuồng từ Kinh Tẻ vượt sông Sài Gòn, tiến về Thủ Thiêm rồi tiếp cận cảng.
Vượt qua nhiều trở ngại, thậm chí bị lính địch tra hỏi, hai người lính đặc công khéo léo lọt vào đường cống dẫn tới khu vực tàu Mỹ neo đậu. Sau khi di chuyển khoảng 300 mét trong đường cống, nơi nước cạn, họ vác thuốc nổ tiến sát tàu USNS Card. Dưới nước, hai người lắp đặt hai quả bom hẹn giờ trong suốt gần một giờ đồng hồ, tính toán kỹ vị trí để nước tràn ngập khoang động cơ khi nổ.
Rạng sáng 2.5.1964, quả bom phát nổ, khoét một hố lớn ở khoang động cơ, khiến USNS Card chìm dần dưới sông Sài Gòn. Con tàu từng sống sót qua các cuộc tấn công của tàu ngầm Đức U-boat trong Thế chiến II cuối cùng bị đánh chìm bởi hai chiến sĩ đặc công Việt Nam. Vụ nổ khiến nhiều quân nhân Mỹ thiệt mạng, 24 máy bay bị nhấn chìm cùng tàu. USNS Card trở thành tàu sân bay cuối cùng của Mỹ bị đánh đắm trong một cuộc chiến tranh cho đến nay.
Sau chiến công vang dội này, Lâm Sơn Náo được trao tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba; hai chiến sĩ hỗ trợ vận chuyển thuốc nổ vào thành phố cũng được trao Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
Hình ảnh USNS Card bị đánh chìm sau này còn được in lên tem của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với dòng chữ "Hàng không mẫu hạm Mỹ bị đánh".
Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson khi đó tìm cách "làm lặng" sự việc, ra lệnh che giấu thông tin, tuyên bố với công chúng rằng USNS Card chỉ bị "hư hại nhẹ". Tuy nhiên, thực tế Mỹ đã phải huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ, điều hai tàu USS Reclaimer và USS Tawakoni tới Sài Gòn để bơm nước, trục vớt con tàu từ độ sâu 15 mét.
Sau 17 ngày nỗ lực, USNS Card được kéo lên trong tình trạng hư hỏng nặng nề. Sáu tháng sau, tàu được sửa chữa và phục vụ thêm 6 năm nữa trước khi bị tháo dỡ.
Sự kiện này cho thấy sự mong manh của các tàu chiến trước những phương thức tấn công thô sơ nhưng hiệu quả. Các chuyên gia quân sự nhận định, dù tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh quốc gia, song lại rất dễ tổn thương nếu không có đội tàu hộ tống mạnh mẽ như khu trục hạm, tuần dương hạm tên lửa hay tàu ngầm.
James Holmes, chuyên gia lịch sử hải quân tại Đại học Hải chiến Mỹ, nhận định: "Vụ đặc công Việt Nam đánh chìm USNS Card đã khiến người Mỹ không còn gọi tàu sân bay là ‘pháo đài bằng thép’ nữa". Ông nhấn mạnh: "Pháo đài có tường thành kiên cố bảo vệ, còn tàu chiến hiện đại chỉ có lớp giáp mỏng chỉ cần một quả bom cũng đủ gây ra thiệt hại khủng khiếp".
Bình luận