Khi mới 20 tuổi, Xuân Phượng một mình chuyển dạ trên chiếc thuyền rách nát giữa dòng nước, chỉ có hai người chèo đò xa lạ bên cạnh. Trong giây phút tuyệt vọng ấy, chị đã từng tự tìm đến cái chết. Chồng chinh chiến triền miên, người mẹ trẻ ấy dắt con theo từng chiến dịch, vừa nuôi con, vừa sản xuất, vừa làm nhiệm vụ đơn vị, luôn sống giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Đó không phaiir tình cảnh của một mình chị mà biết bao người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Ngay cả ngày trở về Thủ đô trong chiến thắng, hành trình cũng không phải trong không khí cờ hoa rực rỡ, mà là những bước chân lê lết rớm máu, đói khát, gánh hai đứa con cùng đồ đạc trên vai. Chính sức mạnh và bản năng của người làm mẹ và sức mạnh đã được rèn giũa qua bao trận chiến, đã giúp Xuân Phượng đơn độc cứu sống con mình trong lúc các bác sĩ đã buông xuôi.
Hơn 300 trang sách chất chứa vô số khoảnh khắc xúc động. Đau đớn, thử thách nối tiếp nhưng không hề ồn ào, mà lặng lẽ, dồn nén vào bên trong.
Khi soi chiếu từ phẩm chất ấy, ta hiểu vì sao một nữ sinh 16 tuổi, từng sống giữa nhung lụa ở ngôi trường Pháp ngữ Bồ Câu Trắng tại Đà Lạt sương mù, lại có thể bước vào cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc một cách lặng lẽ nhưng kiên cường đến thế.
Cuốn sách còn thấm đẫm những lời thủ thỉ của người Mẹ mà ai cũng có thể mang theo suốt đời: “Năm tôi mười lăm tuổi, bà ngoại dặn: Con ơi, ở với người xấu rất dễ xử, khó nhất là đối xử sao cho đủ đầy với người tốt” và “Sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất”.
Tính nữ ở Xuân Phượng trước hết là sự nhạy cảm, khi chị nhận ra bất công ngoài mái nhà ấm êm và thấy được vẻ đẹp lý tưởng trong cuộc chiến của đồng bào mình.
Dấu ấn nữ tính còn hiển hiện trong từng ngày chiến đấu: từ việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, học hỏi người dân bản địa trồng trọt, sản xuất thủ công, cho đến vận dụng kiến thức Pháp học để làm bánh, dịch sách báo, dựng phim kiếm sống.
Tính nữ ấy dịu dàng, lãng mạn trong những trang viết về mối tình đầu, về những đêm trăng đàn hát bên miếu hoang; nhưng cũng đầy cứng cỏi, thà chết chứ không chịu khuất phục trước sự đè nén của vị bác sĩ trưởng trạm vô lương tâm.
Ẩn sâu và bền bỉ nhất trong nữ tính của người con gái Nham Biều là khả năng chịu đựng, tha thứ biết "khép lại quá khứ mà không quên quá khứ" khi bị em chồng phân biệt đối xử trong lúc bơ vơ. Dù đã ổn định với vai trò Trưởng phòng khám Nhi tại Hà Nội, Xuân Phượng vẫn quyết định bước thêm một lần nữa vào chiến trường, lần này với tư cách phóng viên chiến trường và đạo diễn phim tài liệu, tiếp tục vượt qua chính mình.
Có lẽ, không nơi nào như chiến tranh vừa khốc liệt, vừa như một thứ thuốc thử hiển lộ phẩm cách con người, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vì trong chiến tranh, họ không chỉ chiến đấu và tồn tại cho bản thân, mà còn thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ, với sức chịu đựng và sức sống phi thường.
Cuốn sách, qua những lời tâm tình của người mẹ, thực sự là hành trang ấm áp mà mỗi người có thể mang theo suốt cuộc đời: “Năm tôi mười lăm tuổi, bà ngoại dặn: Con ơi, ở với người xấu rất dễ xử, khó nhất là đối xử sao cho đủ đầy với người tốt” và “Sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất”.
Bình luận