Nhớ lại những ngày đầu tháng 9 năm 1969, sức khỏe Bác ngày một yếu dần. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao và đội ngũ y bác sĩ túc trực bên giường bệnh với tâm trạng lo lắng, bất an. Căn phòng nhỏ trong Phủ Chủ tịch im lặng đến nghẹt thở, chỉ có tiếng kim đồng hồ chậm rãi trôi qua từng giây nặng nề. Ai cũng hiểu rằng, thời khắc Người rời xa chúng ta đang đến gần.
Bỗng Bác khẽ mở mắt, ánh nhìn hiền từ nhưng mệt mỏi. Giọng nói Người yếu ớt nhưng vẫn rõ ràng, Bác nói: "Bác rất muốn nghe một câu hò Huế..."
Lời nói ấy khiến cả căn phòng lặng đi. Các đồng chí lãnh đạo nhìn nhau, mắt đỏ hoe vì xúc động. Không ai ngờ rằng, trong giây phút này, điều Bác mong muốn lại giản dị đến thế. Không phải là những lời báo cáo, không phải là những con số hay chiến lược, mà chỉ là một câu hò Huế.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, Bác lại khẽ cựa mình, giọng Người yếu hơn: "Có ai hát được câu hát ví quê Bác không?"
Lần này, không ai cầm lòng được nữa. Những ánh mắt cúi xuống, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Mọi người đều cảm thấy có lỗi vì không thể ngay lập tức đáp ứng mong muốn ấy của Người. Họ biết rằng, trong tâm trí Bác lúc này, hình ảnh quê hương đang hiện về rõ rệt, những ao sen thơm ngát nơi Bác sinh ra, những nương chè non mơn mởn, những dòng sông uốn lượn, những mái nhà tranh dưới rặng tre làng... và cả những câu hát ví dặm chan chứa ân tình.
Nhưng Bác vẫn chưa dừng lại. Sau một hồi thiếp đi vì mệt, Người lại mở mắt, giọng nói yếu ớt: "Các cháu cho Bác nghe một làn dân ca quan họ..."
Lời đề nghị cuối cùng của Bác khiến mọi người không thể kìm nén được cảm xúc. Ai cũng hiểu rằng, hơn lúc nào hết, Người muốn được nghe những làn điệu quê hương, những câu hát đã nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thuở ấu thơ, đã đi cùng Người trong suốt hành trình cách mạng.
Bất chợt, cánh cửa phòng khẽ mở. Một cô gái nhỏ nhắn xuất hiện. Cô sững lại một giây nơi bậu cửa rồi rất nhanh, cô nhào đến quỳ xuống bên giường Bác. Gương mặt cô tái đi vì xúc động, đôi tay run run nắm lấy bàn tay gầy guộc của Người. Không thể kìm nén được nữa, cô bật khóc nức nở.
Bác mỉm cười, khẽ gật đầu ra hiệu cô gái đừng khóc nữa. Nhẹ nhàng, cô gái bắt đầu cất tiếng hát, giọng run run vì nước mắt: "Người ơi, người ở đừng về..."
Thiếu tá Ngô Thị Oanh - người hát cho Bác trước lúc đi xa. Ảnh: Tư liệu
Câu hát vang lên, nghẹn ngào, thấm đẫm nỗi đau. Cả căn phòng lặng đi, ai nấy đều không thể cầm lòng. Trong giọng hát ấy không chỉ có tình cảm cá nhân mà còn là tiếng lòng của hơn 30 triệu trái tim Việt Nam, đang từng giây từng phút hướng về Bác.
Bác khẽ nắm tay cô gái, nhẹ lắc nhẹ như muốn cảm ơn. Và rồi, từ khóe mắt Người, hai hàng lệ lặng lẽ chảy xuống...
Những làn điệu dân ca quê hương đã đưa Bác vào giấc ngủ bình yên. Người đã đi xa, mang theo cả hồn dân tộc vào cõi vĩnh hằng. Nhưng trên môi Người vẫn phảng phất một nụ cười thanh thản – nụ cười của một con người đã trọn đời cống hiến, đã sống một cuộc đời đẹp đẽ, ý nghĩa nhất.
Điều Bác để lại cho chúng ta không chỉ là sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn là những giá trị tinh thần sâu sắc. Qua những mong muốn cuối đời, Người nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong thời đại hội nhập toàn cầu, đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta phải luôn ghi nhớ lời dặn dò của Bác: Hòa nhập nhưng không hòa tan. Phải giữ gìn những làn điệu dân ca, những giá trị văn hóa cốt lõi đã hun đúc nên hồn Việt suốt hàng nghìn năm qua.
Để rồi hôm nay, giữa nhịp sống hiện đại, mỗi khi những câu hò, điệu hát ví dặm, quan họ cất lên, chúng ta lại nhớ về Bác – vị cha già kính yêu của dân tộc. Giản dị mà sâu sắc, lời dặn dò ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị, mãi mãi là kim chỉ nam cho các thế hệ mai sau.
Bình luận