Bo-ris Ga-las cũng đã kịp thời tập hợp những bài viết của các đồng nghiệp là các phóng viên phương Tây với những quan điểm khác nhau, những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều mang tính thời sự sâu sắc vào thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh để hình thành nên cuốn sách: Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm. Chỉ bốn tháng sau Giờ khắc số 0, tháng 9-1975, cuốn sách đã được xuất bản ở Ðức.
Sau khi ông qua đời, bà quả phụ Bo-ris Ga-las nhiều lần đến thành phố Hồ Chí Minh thăm những nhân chứng lịch sử có mặt trong tác phẩm báo chí của chồng mình. Trong dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà đã cho phép dịch và xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt. (*)
Nhân Dân hằng tháng xin trích giới thiệu với bạn đọc một số đoạn trong cuốn sách này.
Từ Hà Nội đi về phía Nam
Họ hành quân không theo nhịp bước, những chàng trai trong quân phục mầu xanh lá cây, đi thành hàng dài trên đường phố Hà Nội. Họ vác súng trên lưng hoặc mang trên tay. Một số này mang vũ khí thông thường, số khác mang vũ khí hạng nặng tự động. Tất cả đều mang ba-lô. Từ vai trở xuống đến thắt lưng, họ đeo bao gạo dạng ruột ngựa, đó là lương thực của người lính. Họ còn thiếu tính kỷ luật mà chúng tôi thường hình dung đến điều lệnh quân ngũ. Họ hành quân không theo nhịp bước. Nhưng kỷ luật của họ lại biểu hiện ở chỗ: không bao giờ họ hỏi đích đến ở đâu.
Ðây là Hà Nội, mùa thu năm 1972. Tương tự như vậy diễn ra vào mùa xuân 1975 khi tôi được gặp lại họ. Và nếu tôi hỏi các chàng trai, họ hành quân về đâu? Họ trả lời: Họ trên đường ra mặt trận. 'Và mặt trận ở đâu?'. 'Ở đó, nơi chúng tôi chiến đấu chống quân thù'. 'Ở miền nam hay miền bắc?'. 'Ở khắp nước Việt Nam'.
Thỉnh thoảng có một cô gái trẻ hay một bà mẹ gặp tôi, nói rằng: 'Con trai tôi đang ở miền nam, chiến đấu chống quân xâm lược. Chiến thắng, con tôi sẽ về nhà'. Nhưng không phải tất cả đều trở về nhà. Nhiều người đã nằm lại đó. Bao nhiêu người đã ngã xuống, chúng tôi chưa thể biết được... Nhưng họ, các chiến sĩ, từ đâu đến: Từ miền bắc hay miền nam? 'Rất nhiều trong chúng tôi - từ miền bắc đến, có gia đình ở miền nam', một người cán bộ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã nói với chúng tôi. Những người khác - sống ở miền nam, nhưng có họ hàng ở miền bắc. 'Sự chia cắt bắc - nam Việt Nam, điều đó không liên quan đến chúng tôi. Chúng tôi chỉ có một đất nước Việt Nam', một anh khác nói tiếp.
... Ngày 29-4, tôi xem phóng sự truyền hình về cuộc di tản của người Mỹ ở Sài Gòn. Cảnh hỗn loạn và kinh hoàng. Nhiều người tin Sài Gòn sẽ bị tàn phá.
Ngày 30-4, tất cả đã trôi qua. Ngọn cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam bay phấp phới trên dinh tổng thống tại Sài Gòn.
Ê-rích E-ri-sơn (Phóng viên quay phim của Ðài truyền hình Thụy Ðiển)
Sài Gòn 30-4-1975
... Giờ khắc số 0 kéo dài năm tiếng đồng hồ. Vào bảy giờ sáng, chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Sài Gòn. Vào 12 giờ trưa, lá cờ Mặt trận Giải phóng phấp phới bay trên dinh Ðộc lập.
... Mặc dù sợ đến run cả hai đầu gối nhưng tôi vẫn đi bộ đến phía trước của Dinh Ðộc lập vào lúc 11 giờ sáng ngày chủ nhật hôm đấy. Tôi đã đứng một mình trước Dinh mà xung quanh yên lặng như một viện bảo tàng... ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.
... Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước tiếp lên những bậc tam cấp đi vào cửa chính qua tiền sảnh rồi đi lên lầu một.
Trong khoảnh khắc ấy, khi chúng tôi còn đang đứng ở giữa sảnh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là tổng thống Minh 'lớn', thủ tướng Mẫu và một vài đổng lý đi lên từ dưới hầm trú ẩn. Ông Minh 'lớn' nói: 'Thật là tốt khi anh có mặt ở đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn tôi'.
Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng, lựu đạn, súng máy vang lên. Tôi nằm rạp xuống sàn tìm kiếm sự che chắn đằng sau cột xi-măng. Phút cuối cùng của sự nổi dậy, một cuộc đánh chiếm Dinh?!
Không có tấm kính nào bị vỡ, chúng tôi rời khỏi chỗ nấp. Minh 'lớn' vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn như một bức tượng bên cạnh ông thủ tướng thấp bé. Rồi trước mắt chúng tôi xuất hiện cảnh tượng không thể tin được: Ba chiếc xe tăng treo những lá cờ rất lớn của Mặt trận Giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước Dinh. Súng bắn loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới. Hai chiếc tăng còn lại vòng sang hai bên trái và phải rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của Dinh. Khoảng hai mươi đến ba mươi phát súng khác được bắn lên.
Và rồi người chỉ huy của chiếc tăng dẫn đầu với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang suýt xô ngã tôi. Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm lấy vị trí bên phải và bên trái của cầu thang.
Người chỉ huy xe tăng đứng ngay trước mặt tôi. Anh ta hét vào tôi, hét đi hét lại điều gì đó mà tôi không hiểu. La hét giải thích cho tôi là mở cửa ra ban công. Tôi mở cánh cửa kính ra vào. Anh ta lướt qua tôi, kéo cờ lên và vẫy đi vẫy lại.
Ở phía dưới nhiều chiếc xe tăng tiếp tục tiến vào, và tất cả đều bắn lên không trung.
Một vài nhà báo chạy vào qua bãi cỏ.
Khoảng ba chục binh sĩ của chế độ cũ, trong đó có một số có thể là lính của Thiệu mà cách đây vài giờ đã không xé bỏ quân phục và đã tháo chạy. Nay họ đứng giơ tay đầu hàng và xếp thành ba hàng trên bãi cỏ.
Tôi chạy vào Dinh vừa đúng lúc. Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến Ðại tướng Minh 'lớn', Tổng thống của Việt Nam cộng hòa đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của Doan-Don-Son (Ðoàn Ðông Sơn-NV) của quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga. Thệ rất phấn khích la lớn: 'Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng'.
... Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Sau một vài phút, Minh, Mẫu và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước. Minh và Mẫu leo lên chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe Jeep nói chuyện với ông Chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Ông luật sư Ðỉnh cũng leo lên chiếc xe Jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - đi qua tòa Ðại sứ Mỹ trống hoác đến một khu phụ của đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã kéo chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Mẫu quạt khuôn mặt ông bằng một quyển sách. Minh và Tùng ngồi trên hai chiếc ghế bành và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ, trong lúc đó Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy mầu xanh.
Bo-ris ga-las (Biên tập viên báo Spiegen)
Ngô Vương Anh (2011), Giờ khắc số 0, báo nhân dân
Bình luận